Lịch sử Leipzig

Khởi nguyên

Một bản đồ từ Meyers Konversations-Lexikon miêu tả Trận Leipzig vào ngày 18 tháng 10 năm 1813

Leipzig có nguồn gốc từ ngôn ngữ Slav Lipsk, có nghĩa là "khu định cư nơi có cây Đoạn mọc".[1]

Leipzig lần đầu tiên xuất hiện trong các văn kiện vào năm 1015 trong biên niên sử của Bishop Thietmar thuộc Merseburg và thành phố đã được hưởng các đặc ân về thương mại vào năm 1165 của Bá tước Otto. Leipzig về cơ bản được định hình trong lịch sử Sachsen và của Đức và luôn được biết đến là một địa điểm thương mại. Hội chợ Buôn bán Leipzig, bắt đầu vào thời Trung Cổ, đã trở thành một sự kiện quốc tế quan trọng và là hội chợ thương mại lâu đời nhất còn tồn tại trên thế giới.

NămThế kỉ 7–910151165122012321402145914941507
Tên gọi thay đổi
theo tiến trình lịch sử
LipskLibziLipzLiptzickLipzicLeiptzgkLeipczigkLipsLeipzig

Đã có các ghi chép về các hoạt động đánh cá nhằm mua bán trên sông Pleisse tại Leipzig từ năm 1305, khi Bá tước Dietrich Trẻ đã chấp nhận quyền đánh cá của nhà thờ và Tu viện Thánh Thomas.[2]

Có một số tu viện bên trong và xung quanh thị trấn, bao gồm một tu viện Benedectine mà sau đó được đặt tên Barfussgässchen (Lối đi Chân trần), tu viện của thấy tu người Ireland gần nơi mà nay là Ranstädter Steinweg (Via Regia Cổ).

Việc thành lập Đại học Leipzig vào năm 1409 đã khởi đầu cho việc thành phố phát triển thành một trung tâm của ngành luật và xuất bản tại Đức, và tiếp theo là địa điểm đặt Reichsgericht (Tòa Dân sự Tối cao), và Thư viện Quốc gia Đức (thành lập năm 1912). Triết gia-nhà toán học Gottfried Wilhelm Leibniz được sinh ra tại Leipzig năm 1646, và đã học tập tại Đại học Leipzig từ năm 1661 đến 1666.

Ngày 24 tháng 12 năm 1701, một hệ thống chiếu sáng đường phố bằng nhiên liệu dầu đã được giới thiệu. Thành phố đã phải thuê đội bảo vệ đèn với kế hoạch làm việc rõ ràng để bảo đảm 700 chiếc đèn được thắp đúng thời điểm.

Thế kỷ 19

Khu vực Leipzig từng là nơi diễn ra Trận Leipzig năm 1813 giữa Đế chế thứ nhất Pháp và một liên minh bao gồm Phổ, Nga, ÁoThụy Điển. Đây là trận chiến lớn nhất tại châu Âu trước khi diễn ra Chiến tranh thế giới thứ nhất và đã chấm dứt sự hiện diện của Napoléon tại Đức và cuối cùng đã dẫn tới cuộc lưu vong đầu tiên của ông tại Elba. Năm 1913, Đài kỉ niệm Trận chiến giữa các Quốc gia nhân dịp kỉ niệm 100 năm sự kiện này đã được hoàn thành.

Đài kỉ niệm Trận chiến giữa các Quốc gia

Với việc có một ga cuối của tuyến tàu hỏa đường dài đầu tiên của Đức tới Dresden (kinh đô của Sachsen) vào năm 1839, Leipzig trở thành một trung tâm của giao thông đường sắt khu vực Trung Âu, với Ga Trung tâm Leipzig là Ga đầu tuyến lớn nhất về diện tích tại châu Âu. Ga tàu hỏa có hai lối vào đại sảnh lớn, theo truyền thống thì lối phía đông dành cho tuyển đế hầu Sachsen và lối phía tây dành cho Hoàng đế Đức.

Leipzig trở thành một trung tâm của phong trào tự do Đức và Sachsen. Đảng Lao động Đức đầu tiên, Hội Liên hiệp Toàn thể Công nhân Đức (Allgemeiner Deutscher Arbeiterverein, ADAV) được thành lập tại Leipzig vào ngày 23 tháng 5 năm 1863 bởi Ferdinand Lassalle; khoảng 600 công nhân từ khắp nước Đức đã di chuyển tới thành phố để tham gia sự kiện thành lập hội bằng tuyến đường sắt mới. Leipzig đã mở rộng nhanh chóng hướng tới con số một triệu cư dân. Các khu vực Gründerzeit khổng lồ được xây dựng, và phần lớn trong số chúng vẫn tồn tại bất chấp hai cuộc thế chiến và các hoạt động phá hủy sau đó.

Augustusplatz với Nhà hát Lớn Leipzig, khoảng năm 1900

Thế kỷ 20

Với việc mở cửa xưởng sản xuất thứ 5 vào năm 1907, Leipziger Baumwollspinnerei đã trở thành công ty bông sợi lớn nhất tại lục địa châu Âu, với 240.000 nhân công. Sản lượng hàng ngày là hơn 5 triệu kilôgram sợi.[3]

Thị trưởng thành phố từ năm 1930 đến 1937 là Carl Friedrich Goerdeler, ông là một người đối lập nổi tiếng của chế độ Đức Quốc xã. Ông từ chức vào năm 1937 và sau đó, người phó Đức Quốc xã của ông đã ra lệnh phá hủy bức tượng Felix Mendelssohn vốn là biểu trưng của thành phố. Vào Kristallnacht (Đêm Kính vỡ) năm 1938, một trong số những tòa nhà có ý nghĩa nhất về mặt kiến trúc của thành phố, giáo đường Do Thái theo kiến trúc Phục hưng từ năm 1855 đã bị phá hủy. Hàng nghìn lao động đã dừng chân tại Leipzig trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thành phố cũng bị thiệt hại nặng nề do các vụ ném bom của phe Đồng Minh trong Thế chiến II. Không giống như những thành phố láng giềng Dresden là thành phố phải chịu các vụ ném bom theo đợt với sức công phá lớn. Leipzig chỉ mất đi một số công trình ngoại vi chứ không mất đi khu vực trung tâm với một mức độ tàn phá lớn, tuy nhiện hậu quả cũng thể hiện tại nhiều nơi.

Lực lượng bộ binh của quân Đồng Minh tiến đến Leipzig vào cuối tháng 4 năm 1945. Sư đoàn Bộ binh số 2Sư đoàn Bộ binh số 69 của Hoa Kỳ đã chiến đấu bên trong thành phố vào ngày 18 tháng 4 và hoàn tất việc chiếm giữ sau các trận chiến dữ dội tại đây, cuộc chiến diễn ra trên từng đường phố, từng căn nhà, vào ngày 19 tháng 4 năm 1945.[4] Sau đó Hoa Kỳ trao lại quyền quản lý thành phố cho Hồng quân Liên Xô. Leipzig về sau là một trong các thành phố chính của Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức).

Vào giữa thế kỷ 20, hội chợ thương mại của thành phố được thừa nhận và hồi phục lại tầm quan trọng như là một địa điểm gặp gỡ giữa các thành viên của khối kinh tế Comecon, là tổ chức mà Đông Đức là một thành viên. Vào thời điểm này, hội chợ thương mại được tổ chức ở một địa điểm phía nam thành phố, gần Đài kỉ niệm Trận chiến giữa các Quốc gia.

Vào tháng 10 năm 1989, sau các buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Nhà thờ Thánh Nicôla, được thành lập từ năm 1983 như là một phần của phong trào hòa bình, Cuộc tuần hành Thứ hai đã bắt đầu và trở thành cuộc biểu tình chống chế độ cộng sản Đông Đức nổi bật nhất.[5][6]